Lá viết

"…Trong bức ảnh, cô ấy đứng giữa thảm cỏ xanh mênh mang, mặc bộ đồ màu cà phê như lần gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi. Tất màu cà phê rang già bằng than, quần thụng như cà phê Moka, áo sợi như cà phê Blue Mountain, và khoác chiếc ba lô giống với cà phê capuccino" – Thái Trí Hằng

[Lá xem phim] My Liberation Notes 2022, Nhật ký tự do của tôi: Cuộc sống văn phòng độc hại

Xin thứ lỗi cho mình được bỏ qua tất cả những giới thiệu, những nhân vật, những nội dung, những mong chờ hay thất vọng ở bộ phim này. Mình chỉ muốn viết về một khía cạnh được thể hiện trong phim thông qua nhân vật điển hình là cô út Yeom Mi Jeong.

Văn phòng của Yeom Mi Jeong có quá nhiều vấn đề: một thằng sếp toxic, bất tài nhưng ngạo mạn, ghen ghét với nhân viên tài giỏi hơn mình, quyết đì cho không ngóc đầu lên được. Đồng nghiệp đứa thì bon chen, hai mặt, đứa thì hời hợt, vô duyên. Giữa một rừng người cũng chẳng thể tìm được một người thật lòng thật dạ. Lúc nào trong đầu Mi Jeong cũng chất đầy những câu hỏi về sự tồn tại, về nhân sinh, về mối quan hệ người – người mâu thuẫn. Rồi cô cố đẩy mình về phía trước từng chút một như người chăn bò, chịu đựng, chịu đựng, lê chân với gánh nặng chất chồng phía sau nhưng cũng không thể bỏ xuống mà sải bước nhẹ nhàng hơn được. Rồi cả việc muốn yên ổn sống cho qua ngày đoạn tháng cũng bị cơ quan đoàn thể can thiệp không buông. Như lời của Trưởng phòng Park Sang Min từng nói: “Để cho người ta yên ổn hướng nội cũng không được à?”. Chúng ta đều đang kiệt sức để chống chọi với mưu sinh. Đâu có nhiều người dũng cảm thoát ra khỏi cái vòng mưu sinh tàn ác đó. Tấm bảng “Hôm nay những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn” như một sự trào phúng trước những con người đang kiệt sức để sinh tồn ấy.

Đến cuối cùng, Mi Jeong cũng từ bỏ công việc để đến một nơi mới, tất nhiên, môi trường làm việc thân thiện hơn, chỗ ngồi làm việc cũng không phải va chạm nhiều người. Tự giải phóng mình khỏi những toxic trong công việc có lẽ là thành tựu đáng kể khiến cho con người từng bước đến với tự do.

Buổi sáng thứ hai lại phải lết thân ra đường, tiếp tục mưu sinh để tồn tại. Mình đi mà như trôi nổi trên đường, ngáp liên tục, mí mắt nặng trĩu, đầu óc trống rỗng. Có lẽ cả cơ thể mình trống rỗng sau khi bộ phim kết thúc tối qua. Có người hài lòng, có người bất mãn, mình thì như nào? Mình chẳng biết nữa, phần nhiều là chưa thể hiểu, cần thời gian để tiếp tục “giải phóng”. Rồi mình suy nghĩ, mình có nên viết nhật ký giải phóng như Haebang club không? tìm sự an ủi trong những con chữ khi không thể hét lớn mỗi khi thấy cuộc sống như cái quần què.

Không có cách nào khác, muốn tự do thì chỉ có nghỉ việc và ly hôn thôi. Đi đâu cũng sẽ có người khiến ta sôi máu. Họ sẽ chẳng bao giờ thay đổi, vậy thì người thay đổi phải là tôi. Nhưng phẫn nộ trong lòng lại không muốn buông bỏ. Vì sự phẫn nộ đó là chính đáng. Tôi đã rất khổ sở khi luôn phải nén sự phẫn nộ chính đáng này. Với những kẻ làm việc không ra gì nhưng lại không chịu nghe phàn nàn thì có nói gì cũng sẽ thành dạy đời cả. Nên tôi phải ráng nhịnViệc tôi làm nhiều nhất chỉ sau việc thở chính là xem đồng hồ. Đi làm rồi tan làm, ăn rồi lại ngủ lặp đi lặp lại. Cảm giác kiểu như tôi bị ám ảnh với việc phải sống một ngày cho trọn vẹn nên cứ mãi nhìn đồng hồ rồi liên tục bị áp lực đè nặng nhưng lại không làm gì ra hồn.”– Park Sang Min.

Khi trời sấm chớp mọi người thường thấy sợ, nhưng tôi lại bình tĩnh đến lạ. Cuối cùng cũng đến tận thế. Đại dương mà tôi ao ước. Tôi cảm thấy bị mắc kẹt nhưng không tìm ra lối thoát. Nên chỉ mong mọi thứ đều tiêu tan. Tôi không bất hạnh nhưng cũng chẳng hạnh phúc. Cứ thế ra đi cũng chẳng vấn đề gì. Mọi người đều hướng về nấm mồ của mình. Nhưng tại sao họ lại vui vẻ và hào hứng đến vậy. Đôi khi tôi tự hỏi phải chăng những người không ra gì lại đường hoàng hơn những người sống bình yên, suôn sẻ? Tôi nghĩ vậy đấy.” – Yeom Mi Jeong.

Leave a comment